Chơi thử Tế Tử Đàn: Slay the Spire x Tower Defense? – Giới Thiệu Game

Chơi thử Tế Tử Đàn – Thường thì nói đến thị trường game Việt, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới… những tựa game mobile “hút máu”, hoặc những game di động dạng “super casual” như Flappy Bird.

Thực tế là có rất ít những studio Việt làm game chơi đơn và tung ra thị trường một sản phẩm đủ hấp dẫn thị hiếu của game thủ thế giới (HOA là một ví dụ), quanh đi quẩn lại chúng ta có những tựa game kinh dị hay game hành động “platformer” lẻ tẻ, nổi lên được một thời gian rồi… mất hình.

Mục lục
ẩn
Những tưởng là game kinh dị…
Cốt truyện gây tò mò!
Cảm nhận cá nhân
4. Khi nào ra mắt?

Với tư cách là một công dân Việt Nam, người viết vẫn luôn mong muốn một ngày nào đó Việt Nam có thể hiện diện thường xuyên trên bản đồ game thế giới, chỉ cần một tựa game indie lôi cuốn như Balatro chẳng hạn, và cứ mỗi lần có một tựa game “made in Vietnam” ra đời, bất kể thể loại gì, hình thái ra sao, người viết lại khấp khởi hi vọng.

Mới đây, “Steam giới” đã xuất hiện một Tế Tử Đàn, một tựa game Việt mà người viết cảm thấy tương đối triển vọng trong thời gian gần đây bởi một lối chơi được pha trộn của một số dạng game, tựa game phổ biến.

Hãy cùng Vietgame.asia du ngoạn vào thế giới ma mị của Tế Tử Đàn và xem liệu tựa game có khả năng trở thành cú “hit” bất ngờ của giới game Việt trong năm nay không nhé!

Những tưởng là game kinh dị…

Không rõ lắm lý do vì sao nhưng dạo gần đây những game Việt Nam nổi nổi trên thị trường trong nước và quốc tế phần lớn là game kinh dị. Chúng ta có thể đếm sơ qua những tựa game như Tai Ương (The Scourge), Thần Trùng (The Death), thậm chí cả Bad Parenting, v.v. do đó khi liếc qua trang chủ của Tế Tử Đàn (tên Tiếng Anh là Just A Shadow Game) thì người viết đã “mặc định” chắc lại một game kinh dị góc nhìn thứ nhất nữa mà thôi.

Quả thực người viết có lý do để nghĩ như vậy, khi trailer đập vào mắt chúng ta là những hình ảnh ghê rợn của những con quái vật, nhưng khi bước vào tựa game, chào đón người viết là hai cái… tế đàn, một của địch thủ và một của người viết, cùng với… 5 lá bài? 3 “mana”?

Người viết quả thực đã rất ngạc nhiên khi tựa game lại chơi giống như một game “con lai” giữa tựa game Slay the Spire và dạng game thủ trụ (tower defense), cùng một chút trò chơi dân gian – Ô Ăn Quan!

Cụ thể hơn, bạn sẽ điều khiển một tế đàn và sử dụng các lá bài để xây dựng các công trình xung quanh tế đàn này, một tư tế (thầy cúng) sẽ đi vòng quanh tế đàn và kích hoạt cách công trình.

Các công trình (thực ra tất cả các công trình hình như chỉ là… một cái bục có tín đồ đang quỳ lạy bên trên – NV) sẽ tiêu tốn một lượng mana nhất định, có công trình muốn xây cần phải “hiến tế” các công trình khác.

Mỗi công trình sẽ có một chức năng khác nhau, có cái thì “đẻ” thêm lính, có cái thì bắn phép vào địch, v.v. và người chơi sẽ phải đặt các công trình ở vị trí phù hợp và cân nhắc lượng mana đang sở hữu để sử dụng chúng. Đồng thời, do một số công trình yêu cầu việc hiến tế các công trình khác, do đó người chơi sẽ phải cân nhắc “hi sinh” công trình nào và giữ lại công trình nào.

Điểm nhấn ở đây là hiệu ứng các công trình sẽ được kích hoạt khi “tư tế”… nhảy tới vị trí của công trình đó, do đó người chơi cũng cần lựa chọn vị trí phù hợp với trạng thái của màn chơi, đồng thời cân nhắc tăng số lượng tư tế lên để kích hoạt các công trình một cách nhanh chóng.

Tựu chung lại, mặc dù tựa game có mang yếu tố kinh dị, tuy nhiên cơ chế chơi là tương đối mới lạ và độc đáo, chắc chắn sẽ hấp dẫn những game thủ đam mê những game chiến thuật thủ thành hoặc “fan cứng” thể loại thẻ bài roguelike.

Cốt truyện gây tò mò!

Để nói về cốt truyện thì hiện tại bản chơi thử Tế Tử Đàn chưa “mở khóa” (unlock) hết, do đó người viết không có một đánh giá tổng quát – dẫu sao thì đây chỉ là một bài viết giới thiệu game mới mà thôi!

Về căn bản thì người chơi sẽ nhập vai vào một con người – hoặc linh hồn – thức dậy ở vùng đất bóng tối, và được một thực thể nào đó dẫn dắt đi thông qua những câu thoại khá là… bố đời.

Người viết sẽ đi qua vùng đất bóng tối này, đưa ra những lựa chọn về con đường muốn đi, ví dụ như ghé thăm con Ma Đói để mua thẻ bài mới, hoặc khám phá một khu bỏ hoang nào đó để kiếm thẻ bài hiếm, hoặc lao vào rừng để chiến đấu với những binh lính của thực thể kia.

chơi thử Tế Tử Đàn

Người viết tương đối ấn tượng với phương thức kể chuyện của bản chơi thử Tế Tử Đàn, câu chuyện được kể qua những thước phim như một màn kịch, với những bức ảnh khá ấn tượng và nhạc nền tạo không khí rùng rợn và ghê sợ.

Đặc biệt, trong bản chơi thử Tế Tử Đàn còn cài cắm một “plot twist” nho nhỏ, mà người viết kích hoạt được một lần xong cũng không kích hoạt lại được nữa, càng gây thêm sự tò mò với sản phẩm cuối cùng của Tế Tử Đàn.

chơi thử Tế Tử Đàn

Cảm nhận cá nhân

Phải nói là người viết cũng khá bất ngờ về độ “cuốn” của bản chơi thử Tế Tử Đàn, nhất là với những màn đánh về cuối của bản chơi thử này, khi người viết phải vận dụng hết “vốn liếng” và cả… cầu may nữa để có thể vượt qua.

Hãy tưởng tượng khi dàn lính của bạn đang bị “thọt” trước số lượng lính “đông như quân Nguyên” của địch, bỗng nhiên bạn nhặt được lá “nỏ thần” và sống sót trong “đường tơ kẽ tóc”, sau đó dần dần lật lại được thế cờ và giành được chiến thắng ngay trước cửa tử.

chơi thử Tế Tử Đàn

Hiện tại thì bản chơi thử Tế Tử Đàn chưa hoàn chỉnh, do đó còn thiếu khá nhiều lá bài, cũng như cơ chế “deck-building” – xây dựng bộ bài (hay là game không có luôn?), nên còn một số sự mất cân bằng và thiếu đa dạng giữa các lá bài, cũng như còn tồn tại một vài “bug” nhỏ.

Tuy nhiên, nếu cơ chế rogue-like kết hợp với thủ thành này được thực hiện chỉn chu hơn nữa thì người viết rất mong chờ được sở hữu phiên bản cuối cùng của tựa game – một “làn gió” mới lạ và biết đâu, game Việt sẽ được nâng tầm quốc tế?

4. Khi nào ra mắt?

Người chơi đã có thể trải nghiệm bản chơi thử Tế Tử Đàn trên Steam. Ngày ra mắt cụ thể chưa được nhà phát triển game nêu rõ, chỉ biết rằng trong năm 2025 này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *